Sau một trận sốt rét bị biến chứng, con trai bà Nông bỗng trở thành kẻ tâm thần, phải sống trong cũi. Chồng bà cũng bị điên, mấy chục năm sống trong chuồng bò, chờ bà chăm sóc. Bao nhiêu năm nay, chưa một ngày bà hết khổ.
Mấy chục năm nay, người vợ, người mẹ này chưa một ngày hết khổ.
Hết “thờ” chồng lại đến “thờ” con
Loay hoay tìm chỗ cho khách ngồi, bà Nông lật tấm chiếu rách trải trên tấm nan nói: “Các chú ngồi tạm trên giường này cũng được, nhà có mỗi cái ghế nhựa thì hai năm trước thằng Hảo “sổng chuồng” đập gẫy mất rồi”.
Từ phía sau vườn vọng lên tiếng la hét của người con trai: “Thả tau ra!”. Anh Đoàn Hảo, con trai bà, trên người chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi rách bươm, cáu bẩn, mặt đỏ phừng phừng, vẻ giận dữ, hai cánh tay giật liên hồi vào những tấm gỗ.
Cho đến cái tết này là đã ngót 14 năm, con trai bà phải sống trong chuồng. Bà Nông kể: Trước đây Hảo học giỏi lắm, hoàn cảnh nghèo khó, không có điều kiện nhưng năm nào Hảo cũng là học sinh giỏi của trường, của huyện. Ngoài ra, Hảo còn hát rất hay, thường tham gia những buổi văn nghệ ở trường.
“Tôi khổ một đời, chỉ mong thằng Hảo nó học hành lớn lên bớt khổ, nào ngờ…” - bà Nông đau đớn. Từ ngày cắp áo về nhà chồng làm dâu, bà chưa được hưởng một ngày sung sướng. Lấy nhau được mấy mụn con, đang yên đang lành bỗng chồng bà nổi cơn điên dại, la hét chạy rông khắp làng. Hết ra Bắc lại ngược vào Nam, mọi thứ trong nhà đều đem đổ sông đổ biển để chữa bệnh cho chồng nhưng không có kết quả. “Năm thằng Hảo lên 6 tuổi cũng là lúc một cái “chuồng bò” được dựng lên ngay giữa gian nhà; nhưng cái chuồng đó không dùng để nhốt bò mà để nhốt… cha thằng Hảo” - bà Nông khóc òa.
Một mình bà tần tảo nuôi con dại và người chồng dở điên dở khùng. Nỗi đau tưởng đến thế là cùng. Nào ngờ…
Năm Hảo lên 14 tuổi, đang học lớp 7 thì bị sốt rét nặng. Tưởng con chỉ đau nhẹ, nhà lại không bán gì ra tiền nên bà Nông không đưa ra viện chữa trị mà để ở nhà chăm sóc. Chỉ hai tuần từ ngày đổ bệnh, Hảo bắt đầu có biểu hiện bất thường: rên la thảm thiết, đập đầu vào tường rồi bắt đầu có dấu hiệu mất trí nhớ. Quá hoảng hốt, bà Nông tức tốc dồn bán hết mọi thứ, cả bì gạo cuối cùng trong nhà để lấy tiền lên bệnh viện huyện chữa trị thì mới biết là đã quá muộn. Bệnh viện Quảng Trạch kết luận: Hảo đã bị sốt rét, biến chứng dẫn đến thần kinh phân liệt. Mất hết khả năng nhận thức.
Bà Nông đau đớn tột cùng. “Nhiều lần tôi bứt dây điện để tự tử nhưng chẳng thể nào chết được, cứ buông xuôi là tôi lại thấy thằng Hảo nó nhìn tôi chằm chằm” - bà Nông khóc.
14 năm không biết mùi thịt cá
“Một đời về làm vợ là một đời phải nuôi chồng, nuôi con trong chuồng bò, tôi đau đến đứt ruột nhưng biết làm răng được?” - bà Nông nước mắt lưng tròng ôm chuồng gỗ nhìn con. Hảo ngồi thu mình lại một góc trong chiếc chuồng cáu bẩn, hôi hám nhìn người lạ với vẻ sợ sệt; chàng học sinh học giỏi, hát hay và đẹp trai ngày nào giờ đã thành một con thú vật, khuôn mặt xác xơ, tiều tụy, tóc lù xù bẩn cáu và nặng mùi nước tiểu, phân thải hôi hám.
Chiếc chuồng nay xưa bố sống, giờ con ở.
Từ ngày đổ bệnh, Hảo chạy rông suốt ngày, đập phá mọi thứ trong nhà rồi lại đi dật dờ như một bóng ma. Có hôm lạc lên tận thị trấn Ba Đồn, mấy ngày nhờ cả làng đi tìm nhưng không thấy, đến khi công an bắt được báo cho gia đình mới hay biết là Hảo lạc lên tận đó.
“Bình thường thì nó ngồi thu lu một mình như vậy nhưng mỗi lúc nắng nóng là nó giật chuồng, phá chuồng rồi chửi bới đòi tôi thả; nhiều lần nó “sổng chuồng” nó phá hết đồ đạc, cứ thấy người là đuổi đánh. Suốt mười mấy năm nay tôi chẳng có một giây phút được thảnh thơi; những ngày mưa gió trở trời là nó lại ngồi hát vọng cổ làm tôi thắt ruột thắt gan, nó hát hay lắm chú ơi!” - bà Nông nghẹn ngào.
Bà Nông nói rằng, cái chuồng để nhốt Hảo hiện giờ là chuồng dành để nhốt cha Hảo trước đây. Lúc cha nó mất đi rồi, bà nghĩ là cái chuồng đó đã đến lúc gỡ đi để lấy gỗ làm củi, coi như hết nợ khổ; nào ngờ nó lại là nơi để nhốt luôn con trai bà.
Gần 14 năm rồi, anh Hảo chưa một lần được tắm rửa. Áo quần rách nát, bà phải nhằm lúc con tỉnh táo mới dám vào thay vội cho con. Đến bữa thì bà đưa tô cơm, nóng thì bà múc nước dội. Bà không dám lại gần vì sợ Hảo đánh. Mọi hy vọng đều đã tắt khi nhiều lần bà buộc tay con đưa lên bệnh viện nhưng đều bị trả về, đưa vào trại điều trị tâm thần người ta cũng không nhận.
Tôi ái ngại nhìn ngôi nhà trống trơn, chỉ thấy một tấm di ảnh của người chồng trên bàn thờ và một bì gạo nằm nơi xó nhà; bà Nông bảo, sống mấy chục năm nay nhưng chưa hề biết đến mùi cá thịt là gì; kể cả tết nhất. Họ hàng chẳng có, chính quyền không quan tâm, không có một sự giúp đỡ nào khác ngoài những cọng rau mà bà Nông hái được.
“Người ta có tết, có lễ chứ gia đình tôi thì không có; khổ một đời nên có lẽ giờ cũng chai lì đi rồi chú à. Tui thì chẳng sao, chỉ tội thằng Hảo; thằng Hảo cứ mỗi lần thấy mẹ bưng cơm ra là háo hức rồi thấy chiếc tô chỉ có cơm với nước rau xanh, nó lại khóc đòi thức ăn”, bà Nông ngậm ngùi.
Theo Dân Trí