Xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, có một ngôi miếu lạ, ngoài việc thờ một người phụ nữ khai sinh ra lễ hội kỳ lạ, còn khói hương nghi ngút để thờ bộ phận sinh dục của nam và nữ.
Vật thiêng nên không được xem
Theo chân cụ Nguyễn Bá Thơ, chúng tôi ra thăm ngôi miếu có tên Miếu Trò. Ngôi miếu nằm sát cánh đồng, được bao bọc bởi hai cây sanh, cây si, những khóm tre đằng ngà và một cây đa cổ thụ soi bóng bên một cái hồ rộng.
Cụ Nguyễn Bá Thơ, đã ở cái tuổi 80, nhưng vẫn minh mẫn lạ thường. Cụ thoăn thoắt mở cửa ngôi miếu thiêng cho chúng tôi vào. Cụ bảo: “Tôi già rồi, nên nhiệm vụ coi miếu trao lại cho người cháu của tôi tên là Nguyễn Thành Ngữ. Nói là cháu chứ cậu ấy cũng 70 tuổi rồi”.
Thấy có người lạ, 4, 5 người của làng cùng ra miếu. Ông Nguyễn Thành Ngữ, ông từ của miếu Trò vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. Sau khi thắp nén nhang với vẻ thành kính, ông bắt đầu kể những câu chuyện ly kỳ về sự tích có một không hai về ngôi miếu này.
Trên nền miếu này, từ bao đời nay, mỗi năm một lần, dân làng Trám đều tiến hành cúng vật linh (bộ phận sinh dục nam và nữ) và biểu diễn những trò vui của mình.
Vật linh được thờ trong miếu biểu hiện cho nam tính và nữ tính (dân làng gọi bằng từ cổ là “nõ, nường”). Hai vật thờ này được tạc bằng gỗ mít từ thời xa xưa, trông rất giống vật của nam và vật của nữ.
Dân làng quý hai vật linh như vàng, nên họ bọc vật linh bằng những tấm lụa đỏ và đặt trong hòm rồi khóa kỹ. Hai vật linh thiêng này chỉ được mang ra vào đúng đêm diễn cảnh tình dục nam nữ, mà người dân gọi là “linh tinh tình phộc”.
Miếu Trám thờ vật linh là Linga và Yôli tượng hình cho hai vật giống nam nữ. Đó chính là tục cầu thờ sinh thực khí trong tín ngưỡng phồn thực của cư dân Việt cổ trồng lúa nước từ mấy ngàn năm trước còn lưu giữ đến ngày nay” – ông Ngữ cho biết.
Chúng tôi cố công thuyết phục ông Ngữ cho xem và chụp hình hai vật thiêng, song chỉ nhận được sự từ chối. Ông bảo, đây là linh vật của dân làng, nên mỗi năm chỉ bỏ ra một lần cho dân làng… chiêm ngưỡng mà thôi.
Sự tích về ngôi miếu
Sự tích về ngôi miếu có một không hai này bắt nguồn từ “ngôi làng cổ Tứ Xã tồn tại từ thời Hùng Vương”.
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, người có rất nhiều công trình nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, trong đó có làng Tứ Xã, cho biết: Tứ Xã nằm trên di tích khảo cổ Gò Mun có tuổi đời trên dưới ba ngàn năm.
Dòng Nậm Tao (sông Thao) xa xưa luôn đổi dòng trên đồng đất Tứ Xã. Dân làng vì thế cũng phải nhiều lần rời làng lên những gò đất cao, để tránh cảnh lụt lội và tiện lợi cho việc làm ruộng nước, đánh bắt tôm cá cua ốc”.
“Để hiểu được Miếu Trám thì phải hiểu được sự tích của nó. Hay lắm, quý hóa lắm…” - Ông Nhàn cứ xuýt xoa khi kể về ngôi miếu khá lạ này.
Ông Nhàn kể tiếp: Làng Tứ Xã một thời ở khu Đồng Trong. Khi đê sông Hồng định hình như ngày nay thì khu Đồng Trong bị ngập úng. Phù sa sông Hồng bồi đắp dần, san bằng đồng bãi gò đồi để nó trở thành khu đồng chiêm trũng. Rồi những mùa mưa trút nước thời xa xưa biến cả khu Đồng Trong thành một biển hồ mênh mông nước.
Khi đó, cha con ông Ngô Quang Điện phải rời Đồng Trong về nơi là ngôi làng Tứ Xã hiện nay. Khi ông Ngô Quang Điện chết, được dân làng đắp thành tượng Đức Ông, thờ ở chùa Tổng. Chùa Tổng là di tích lớn của làng ngoài. Hàng năm, ngoài hội chùa còn có lễ Đức ông, để nhớ ơn người khai dân lập ấp.
Cạnh chùa Tổng chính là miếu Trám, thờ bà Ngô Thị Thanh, con cả ông Ngô Quang Điện. Bà Thanh có công dạy dân làng múa hát và tổ chức các lễ hội.
Miếu Trám còn gọi là miếu Trò, vì lễ hội ở đây có trò trình diễn nghề nghiệp. Đặc sắc nhất là trò tháo khoán. Sau khi dân làng đem vật thiêng ra múa (người nam cầm linh vật nam, người nữ cầm linh vật nữ và mô tả cảnh giao hoan), thì đến giờ lễ mật. Giờ lễ mật diễn ra lúc nửa đêm 11-1 âm lịch hàng năm. Trong giờ lễ mật, trai gái tham dự lễ hội được tự do quan hệ tình dục với nhau. Nếu cặp nam thanh nữ tú nào thụ thai do quan hệ trong giờ lễ mật sẽ được làng thưởng lụa là gấm vóc.
Theo VTCNews